Suýt gặp phiền toái vì sách định mức in lậu chế bản khoán trên công trình thủy điện Nậm Chiến

Định mức dự toán xây dựng công trình

Suýt gặp phiền toái vì sách định mức in lậu chế bản khoán trên công trình thủy điện Nậm Chiến.

Chủ đầu tư Thủy điện Nậm Chiến là EVN, khi có tôi làm ở Viện Kinh tế xây dựng – Bộ Xây dựng ở vai trò Tư vấn, Nậm Chiến làm việc với Ban Điều hành thi công Thủy điện Nậm Chiến, Tổng Công ty Sông Đà. Khi đó tôi lên Văn phòng Ban điều hành Nậm Chiến nằm 1 tháng, để phối hợp anh/em phòng Kế hoạch xây dựng bộ đơn giá công trình (riêng cho công trình Thủy điện Nậm Chiến). Bộ đơn giá công trình này sẽ dùng để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Để xây dựng bộ đơn giá công trình cho thủy điện Nậm Chiến (cũng như các công trình thủy điện nói chung) chúng tôi phải thực hiện các công việc:

1) Đầu tiên là nghiên cứu các công trình tương tự, cũng như thiết kế công trình, thiết kế biện pháp thi công… để dự kiến ra danh mục các công việc nay mai sẽ thực hiện trên công trình.

2) Sau đó lựa chọn định mức cho các công việc đó, Do công trình thủy điện rất phức tạp, nhiều hạng mục các loại (có cả dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, hạ tầng), nên khi đó ngoài tập định mức phần xây dựng phải sử dụng tất cả các tập định mức do Bộ Xây dựng, Bộ Công thương và của các bộ ngành khác ban hành + các định mức riêng thỏa thuận cho các loại công trình. Phải nói là tìm được chỗ bấu víu cho định mức của công tác nào thì mừng công tác đó. Ngại nhất là phải đi xây dựng định mức mới vì thời gian thỏa thuận được với BXD rất lâu và khá nhiêu khê.

3) Rồi tìm kiếm giá vật liệu, giá nhân công, giá máy phù hợp tại thời điểm áp theo định mức để chiết tính đơn giá.

Tưởng tượng trong phòng làm việc của chúng tôi có rất nhiều quyển định mức, mở sẵn ra và để ngổn ngang để cần là tra cứu luôn, lấy số liệu nhập vào phần mềm tính đơn giá. Khi đó tính đến phần đơn giá gia công cấu kiện thép, tra số liệu định mức ở 1 quyển định mức nằm trên bàn, tôi thấy số liệu to 1 cách lạ lùng, đơn giá tính ra vọt lên sai khác hẳn. Nghi ngờ tôi liên phải tìm quyển định mức gốc mình mang theo từ Hà Nội lên, khi đó tham gia nhóm rà soát, sửa đổi, bổ sung định mức 1776, 1777… của Viện Kinh tế xây dựng nên được phát 1 quyển gốc có dấu đỏ của Bộ Xây dựng.

Khi đối chiếu với quyển định mức gốc thì thấy quyển định mức kia sai khác hẳn. Tôi mới hỏi anh/em ở đây nguồn gốc quyển định mức kia thì được cho biết là: có đơn vị vào tận Ban điều hành công ty chào bán, dùng ô tô tải nhẹ chở sách vào, công ty đặt cho mỗi phòng 2-3 quyển. Sau nghĩ lại tôi phán đoán: Chết rồi! Sách chế bản lâu, không có bản gốc, định mức thì dày, để chế bản và in được người ta thuê người chế bản lại từ bản in. Bởi khi đó các website chia sẻ tài liệu chưa tốt, chưa sẵn như bây giờ, trang web của Bộ cũng không đăng tải file định mức gốc. Nên người chế bản thuê làm khoán họ sẽ chỉ là người gõ nhanh, không hiểu về định mức và tầm quan trọng của nó, cứ tính số trang ăn tiền, nên có thể gõ sai, có thể nhìn trang trước như lại nhập số liệu định mức vào bảng của trang sau (quyển định mức rất dầy, hơn 500 trang)… nên nhầm lẫn rất nhiều.

Tưởng tượng, nếu như khi đó tôi không phát hiện ra, không rà soát lại quyển định mức gốc, nhưng đơn giá được chiết tính theo định mức sai đó, giá trị tăng vọt lên… tập đơn giá được in ra, do rất dày và rất nhiều, nếu qua các khâu soát xét không kỹ thì ảnh hưởng như thế nào đến giá trị công trình. Công trình thủy điện thường giá trị đầu tư xây dựng rất lờn. Rồi cũng có thể người ta cũng sẽ phát hiện ra sự sai sót đó, nhưng các khâu sửa sai, làm lại, phê duyệt lại sẽ phiền toái như thế nào!

Từ kinh nghiệm để đời đó, sau này khi làm việc với định mức, đơn giá tôi thường phải tìm quyển định mức gốc để sử dụng. Rất nhiều tập định mức gốc được tôi sưu tầm file gốc, scan quyết định, hoặc chế bản từ quyển gốc và đối chiếu, soát xét thật kỹ qua nhiều công trình… rồi chia sẻ trên giaxaydung.vn cho anh/em bạn bè đồng nghiệp sử dụng.

Ths Nguyễn Thế Anh, liên hệ Tư vấn đơn giá, định mức: theanh@gxd.vn

Thông tin về thủy điện Nậm Chiến tóm lược lại từ Wikipedia:

Thủy điện Nậm Chiến là nhóm thủy điện xây dựng trên dòng Nậm Chiến ở vùng đất các xã Ngọc Chiến, Chiềng Muôn và Chiềng San huyện Mường La, tỉnh Sơn La, Việt Nam.

Năm 2016 Thủy điện Nậm Chiến có 2 bậc hoạt động liên hoàn, tổng công suất lắp máy 232 MW.

Thủy điện Nậm Chiến 1 có công suất lắp máy 200 MW, khởi công năm 2005, hoàn thành năm 2012. Nước từ hồ Nậm Chiến dẫn theo tunnel dài trên 11 km đến nhà máy điện ở xã Chiềng Muôn, tạo ra cột nước chênh cao 715 m.21°30′58″B 104°06′13″Đ
Thủy điện Nậm Chiến 2 có công suất 32 MW, hoàn thành năm 2009. Nậm Chiến 2 ở xã Chiềng San, hoạt động liên hoàn với thủy điện Nậm Chiến 1, với hồ chứa không tích nước lũ.21°29′58″B 104°05′34″Đ

Nậm Chiến
Nậm Chiến là một phụ lưu của sông Đà, bắt nguồn từ các suối ở dãy núi phía đông xã Nậm Khắt 21°41′8″B 104°16′35″Đ huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái.

Sông chảy sang xã Ngọc Chiến huyện Mường La tỉnh Sơn La, chảy hướng tây nam và đổ vào bờ trái sông Đà ở thị trấn Ít Ong 21°28′21″B 104°02′13″Đ.

Cửa sông Nậm Chiến cách Thuỷ điện Sơn La không xa.

Nghịch lý Ngọc Chiến

Tại lưu vực Nậm Chiến có đến 4 thủy điện, còn tại xã Ngọc Chiến nơi đặt hai thủy điện là Nậm Chiến 1 và Nậm Khốt thì năm 2014 dân của 18 bản trong xã chưa được cấp điện, và được gọi là “Nghịch lý Ngọc Chiến” [9].

Sự cố liên quan

Thủy điện Nậm Chiến 2 đã xả lũ vào các ngày từ 23 – 25/06/2011, làm vùi lấp nhiều ruộng lúa và hư hỏng một số công trình thủy lợi, cầu treo, công trình dân sinh tại xã Chiềng San, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Do sự không thống nhất được giữa nhà máy và xã về việc đến bù thiệt hại mà sự việc đáng tiếc đã xảy ra vào ngày 25/6 người dân kéo lên mặt đập thủy điện, đuổi cán bộ công nhân viên của nhà máy đang làm nhiệm vụ xả lũ. Sự việc chỉ dịu lại khi UBND huyện Mường La đến giải quyết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *